Các hòa ước Chiến_tranh_Pháp–Đại_Nam

Nhâm Tuất, 1862

Hòa ước Nhâm Tuất được ký ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn giữa đại diện triều Nguyễn (thời vua Tự Đức) là chính sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp (hay Thiếp) với đại diện của Pháp là thiếu tướng Bonard và đại diện của Tây Ban Nha là đại tá Don Carlos Palanca Guttiere.[89]

Theo G. Taboulet[90] thì tàu Forbin đưa sứ bộ rời Huế vào ngày 28 tháng 5 năm 1862, đến Sài Gòn vào ngày 3 tháng 6 năm 1862, qua ngày 5 tháng 6 năm 1862 (9 tháng 5 âm lịch năm Nhâm Tuất) thì hai bên ký bản hòa ước trên tàu chiến Duy-pe-rơ của Pháp đậu ở bến Sài Gòn.[91] Ký hòa ước xong, triều đình sai ông Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long, ông Lâm Duy Hiệp làm tuần phủ Khánh Thuận, để giao thiệp với các quan nước Pháp ở Gia Định. Tháng 2 năm Quý Hợi (1863), thiếu tướng Bonard và đại tá Palanca ra Huế gặp vua Tự Đức để công nhận sự giảng hòa của ba nước. Xong rồi thiếu tướng Bonard về Pháp nghỉ, Hải quân thiếu tướng De la Grandière sang thay.[92]

Sử gia Phạm Văn Sơn cho rằng:

Giữa lúc quân Pháp không ngờ nhất, thì thiếu tá Simon đang công tác ở ngoài khơi Trung Kỳ trở về Sài Gòn báo tin là vua Tự Đức vừa đề nghị mở cuộc giảng hòa.[Ghi chú 1] Tháng 4 năm Nhâm Tuất, đô đốc Bonard liền phái Simon mang chiến hạm Forbin có bố trí đại bác, ba chiếc thuyền gỗ cùng 200 lính đến cửa Thuận An (Huế), để đưa ra ba yêu sách là: Gửi sứ thần có thẩm quyền quyết định vào Gia Định, bồi thường chiến phí và phải nạp trước 100.000 Franc để đảm bảo thiện chí cầu hòa.

Theo Giáo sư Nguyễn Phan Quang, các nguồn tư liệu khác nhau cho thấy những tháng đầu năm 1862 là thời gian khủng hoảng nặng nề nhất của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Việt Nam. Một mặt, phong trào kháng chiến của nhân dân đang phát triển mạnh[93], đặt địch quân trước những khó khăn nan giải; mặt khác là những tác động do thất bại của Pháp ở Syrie, sa lầy ở Mexique và làn sóng phản đối của nhân dân Pháp. Giữa lúc đó, triều đình Huế chủ động "nghị hòa và ký kết mau chóng" đã làm cho thực dân Pháp ngạc nhiên:

May mắn thay, đang lúc phải đón đợi một tình thế xấu thì Huế lại yêu cầu ký hòa ước[94].

Theo nhà giáo Ca Văn Thỉnh thì đây là một "hàng ước", còn theo giáo sư Trần Văn Giàu thì "đây là một sự phản bội đối với những người kháng chiến", vì sau hiệp ước này phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Việt khó khăn hơn trước: nghĩa quân sẽ phải đơn độc đối phó với đối phương. Quan trọng hơn nữa là triều đình không chỉ ra lệnh bãi binh, mà lại còn tiếp tay truy lùng các thủ lĩnh cho họ![95]

Giáp Tuất, 1874

Sau khi ký Hoà ước Nhâm Tuất 1862, Pháp chiếm đóng và cai trị 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và quyết định xâm chiếm và lấy nốt 3 tỉnh miền Tây còn lại của Nam Kỳ, đến năm 1867 họ đã lấy nốt thành công 3 tỉnh còn lại sau khi Kinh lược sứ Phan Thanh Giản biết không chống đỡ nổi đã quyết định giao các thành cho Pháp.[96] Sau khi củng cố Nam Kỳ, nhân sự rối ren ở Bắc Kỳ, Pháp đã quyết định từng bước tiến ra với mục đích chiếm lấy Bắc Kỳ. Để mục đích được thuận lợi, Pháp ra những yêu sách rất ngang ngược với triều đình Huế về các quyền lợi ở Bắc Kỳ rồi đưa quân ra và chiếm lần lượt các thành Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương.[97] Tình hình diễn ra ở Bắc Kỳ cũng như sự chiếm đóng các tỉnh Tây Nam Kỳ dẫn tới vi phạm vào bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862 mà hai bên đã ký, và dẫn tới việc Pháp thay thế hiệp ước mới bằng bản Hoà ước Giáp Tuất 1874 có lợi hơn cho Pháp.[98]

Đây là bản hiệp định thứ hai giữa triều NguyễnPháp, được ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1874 với đại diện của triều Nguyễn là Lê Tuấn - Chính sứ toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phó sứ toàn quyền đại thần và đại diện của Pháp là Dupré - Toàn quyền đại thần, Thống đốc Nam Kỳ.[99] Hoà ước gồm có 22 điều khoản với nội dung chính là thay thế bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862, công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo.[100]

Quý Mùi, 1883

Lễ ký kết Hiệp ước Quý Mùi tại Thuận An-Huế

Đầu thập niên 1880, tình hình ở Bắc Kỳ càng rắc rối khi Pháp chủ trương xâm lăng và tìm cách gây hấn. Năm 1882 thủ phủ Hà Nội thất thủ; Pháp chiếm toàn miền trung châu Bắc Kỳ. Các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc được đặt vào tình trạng báo động. Một mặt nhà Thanh cho tăng cường việc phòng bị biên ải. Mặt khác quân Thanh vượt biên giới vào Bắc Kỳ khi triều đình Huế gửi thư cầu viện. Dưới danh nghĩa giúp nhà Nguyễn, quân Tàu mở đầu cuộc Chiến tranh Pháp-Thanh. Trong khi đó quân Việt tại các tỉnh Bắc Kỳ phối hợp với quân Thanh cùng đánh Pháp.[101]

Cũng vào thời gian này, vua Tự Đức băng hà ngày 19 Tháng Bảy, 1883 lại không có con nối ngôi.[102] Việc triều đình rối ren, các quan phụ chính thì tranh nhau quyền lợi khiến vua Dục Đức ở ngôi chỉ 3 ngày (20 - 23 tháng Bảy) rồi vua Hiệp Hoà ở ngôi bốn tháng (30 tháng 7 - 30 tháng 11) tiếp theo nhau bị phế. Lợi dụng tình thế, ngày 20 tháng 8 năm 1883, quân Pháp tấn công và chiếm lấy cửa Thuận An, khống chế cửa ngõ thủy lộ chính lên kinh đô Huế. Trong hoàn cảnh nguy ngập bị Pháp uy hiếp sát kinh thành, triều đình cử Nguyễn Trọng Hợp - Thượng thư bộ lại ra Thuận An để điều đình với Pháp.[103] Tổng ủy Jules Harmand ra tối hậu thư với nhiều yêu sách ngang ngược và khắc nghiệt. Tổng cộng có 27 điều khoản; Harmand gia hạn cho triều đình Huế phải trả lời trong 24 giờ đồng hồ, nếu không sẽ khai hỏa đánh lên kinh thành. Thư của Harmand đe dọa: "Đế quốc An Nam, hoàng triều, cùng các vương công, đại thần sẽ tự tuyên án tử hình cho chính mình. Cái tên Đại Nam sẽ bị xóa khỏi lịch sử..." nếu vua quan nhà Nguyễn không chấp nhận toàn phần những điều kiện nêu ra.[104] Lúc này, triều đình Huế đang ở thế thua, không làm được gì hơn ngoài việc phải ký chấp nhận 27 điều khoản do Pháp đưa ra.[105]

Hoà ước Harmand được hai bên ký kết ngày 23 Tháng Bảy âm lịch triều Hiệp Hòa, tức ngày 25 tháng 8 năm 1883.[106]

Giáp Thân, 1884

Bài chi tiết: Hòa ước Patenôtre

Sau khi ký Hoà ước Quý Mùi 1883, trong nội bộ triều đình Huế tiếp tục lục đục, các vị vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi kế tiếp nhau lên ngôi trong thời gian ngắn. Lúc này, ở Bắc Kỳ quân Pháp đang đánh nhau với quân nhà Thanh và đã đuổi được phần lớn quân Thanh về Trung Quốc, tuy nhiên tại một số tỉnh quân Thanh vẫn còn có mặt và đe doạ sự có mặt của người Pháp ở Bắc Kỳ.[107] Chính phủ Pháp đã sai Fournier sang Thiên Tân ký với Lý Hồng Chương bản sơ bộ về Hoà ước Thiên Tân 1884, trong nội dung bản hoà ước sơ bộ giữa Pháp và nhà Thanh năm 1884, đã có điều khoản nhà Thanh công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Đại Nam. Dựa vào bản sơ bộ này, mà sau này là bản chính thức Hòa ước Thiên Tân 1885, Chính phủ Pháp đã sai Patenôtre-Đại diện Cộng hoà Pháp đến Huế sửa lại Hòa ước Quý Mùi 1883 trước đó giữa Pháp và nhà Nguyễn.[108]

Ngày 6 tháng 6 năm 1884, hòa ước Patenôtre được ký kết tại kinh đô Huế gồm có 19 điều khoản. Đại diện các phía nhà Nguyễn là Phạm Thận Duật - Toàn quyền đại thần, Tôn Thất Phan - Phó Toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phụ chính đại thần và phía Pháp là Jules Patenôtre - Sứ thần Cộng hoà Pháp.[109]